Sáng 16/11, Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị TPHCM và Liên minh tái chế bao bì Việt Nam tổ chức ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác “Xây dựng mạng lưới thu gom và xử lý chất thải tái chế từ chương trình phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn”.
Theo đó, dự án có mục tiêu thiết lập mạng lưới thu gom chất thải tái chế từ chương trình phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn, góp phần thúc đẩy và nâng cao hiệu quả của chương trình phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn ở TPHCM. Tạo nền tảng xây dựng mô hình “Trung tâm xử lý và tái chế chất thải”, nhằm thúc đẩy các hoạt động thu gom, thu hồi, tái chế và tái sử dụng nguồn nguyên liệu từ chất thải. Giảm thiểu sử dụng đồ nhựa dùng một lần, giảm phát sinh chất thải nhựa ra môi trường, gắn với việc thực hiện chủ trương của Chính phủ về phong trào “Chống rác thải nhựa”. Giúp nâng cao nhận thức cộng đồng, thúc đẩy các doanh nghiệp sản xuất xanh, sản xuất không phát thải góp phần nâng cao hiệu quả trong bảo vệ môi trường, xây dựng nền kinh tế tuần hoàn gắn với mục tiêu phát triển bền vững.
Theo nội dung ký kết, hai bên sẽ hợp tác xây dựng các dự án trong những lĩnh vực sau: Xây dựng cơ sở hạ tầng hỗ trợ thu gom, phân loại và xử lý sơ bộ chất thải có thể tái chế. Xây dựng mạng lưới với các nhà tái chế để phát triển mô hình khuyến khích dành cho chất thải có thể tái chế. Vận động chính sách để tạo ra cơ chế khuyến khích và điều kiện thị trường thuận lợi cho chất thải có thể tái chế, cũng như truyền thông về phân loại rác tại nguồn đến các hộ gia đình và những người thu gom rác.
Việc ký kết biên bản này nhằm thúc đẩy, nâng cao hiệu quả trong triển khai, thực hiện chương trình phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn. Quản lý, thu hồi, tái chế và tái sử dụng chất thải tái chế một cách hiệu quả và giúp nâng cao nhận thức cộng đồng, thúc đẩy các doanh nghiệp sản xuất xanh, sản xuất không phát thải góp phần nâng cao hiệu quả trong bảo vệ môi trường, xây dựng nền kinh tế tuần hoàn gắn với mục tiêu phát triển bền vững.
Theo số liệu thống kê năm 2019, mỗi ngày TPHCM thải ra khoảng 9.500 tấn chất thải rắn sinh hoạt, trong đó chất thải nhựa chiếm tỷ trọng cao (chỉ sau rác hữu cơ) khoảng hơn 1.500 tấn.
Theo hcmcpv.org.vn